Những năm gần đây, cơn sốt gỗ sưa ở Việt Nam không ngừng tăng nhiệt, các thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để tìm mua loại gỗ này với giá hàng chục triệu đồng cho 1kg. Gỗ sưa là loại gỗ quý giá thật sự hay việc không ngừng nâng giá gỗ sưa chỉ là chiêu trò của thương lái?
Niềm tin gỗ sưa chữa được nhiều bệnh tật
Đem những thắc mắc về gỗ sưa hỏi một người Trung Quốc (tên phiên âm Hong Dan, người Chiết Giang) từng có nhiều năm buôn gỗ, anh này cho biết: "Quả thực gỗ sưa là một loại gỗ quý, có giá trị sưu tập rất cao. Những năm gần đây, tại Trung Quốc đang có trào lưu sưu tập đồ gia dụng cổ bằng gỗ sưa. Chắc chắn người sưu tập đều rõ như lòng bàn tay về giá trị vật chất ngoài thị trường của vật mình sưu tập. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết rằng ngoài giá trị về mặt sưu tập, gỗ sưa còn có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe con người".
Theo người này, gỗ sưa có mùi thơm nhạt, nhưng dễ ngửi, là tượng trưng cho sự cao quý, vinh hoa. Những gia đình quan lại giàu có thời cổ đại thường chọn gỗ sưa làm nguyên liệu đóng tủ đựng quần áo. Càng lâu ngày, quần áo để trong đó càng có mùi thơm, khi mặc vào, người ta thấy tinh thần sảng khoái vô cùng, có thể nói là rất kỳ diệu.
Ngoài ra, trước đời Thanh, trong hiệu thuốc, bột gỗ sưa là một loại dược liệu rất quý. Sau này, do nguyên liệu gỗ sưa khan hiếm nên thậm chí một số hiệu thuốc còn thu mua hoặc đem đồ gia dụng bằng gỗ sưa của nhà mình ra nghiền thành bột để bốc thuốc. Đây có thể cũng là một nguyên nhân khiến các đồ gia dụng ít có cơ hội được lưu truyền về sau.
Thậm chí, những người trước đây có hàm răng xỉn màu, khi tiếp xúc lâu với gỗ cũ (gỗ sưa từ 100 năm trở lên), răng có thể trắng trở lại. Không ít người cũng tin rằng dùng bột nghiền của gỗ sưa đun với nước để đắp vào chỗ bị đau bệnh có thể đả thông kinh lạc, hoạt huyết, thúc đẩy tuần hoàn và giảm áp lực máu. Vậy tại sao trước đây các vua chúa và các gia đình quyền quý ở Trung Quốc thường dùng gỗ sưa làm đồ gia dụng và coi đó như một loại dược liệu thượng đẳng, một bảo vật khó kiếm? Người này cho biết, cây gỗ sưa quý là cây đã sinh trưởng qua hàng trăm năm, có cây có tuổi đời tới 800 năm, do đó đã tích tụ một năng lượng hết sức kỳ lạ. Khi con người tiếp xúc lâu và thường xuyên, nó có thể khiến người ta thay đổi khí huyết, trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Bột gỗ sưa còn có thể dùng để điều trị bệnh ngoài da, như bệnh chàm (eczema). Cách thức chữa bệnh được giới thiệu như sau: Dùng 1g bột gỗ sưa, 3g hùng hoàng, 1g axit salicylic, 10g nước dấp cá, 2g thất lý tán (hỗn hợp: Trân châu, tổ yến, hoàng liên, khổ hạnh nhân, bán hạ, mạch nha, phục linh, trần bì, thần khúc, cam thảo, hổ phách...) trộn đều bôi lên chỗ da bị chàm mỗi ngày một lần.
Ngoài ra, gỗ sưa cũ thường tán phát ra ngoài một loại vật chất được gọi là “mộc dưỡng”. Loại vật chất này có tác dụng an thần, tỉnh táo, khi thường xuyên sử dụng có thể thúc đẩy việc tái tạo các tế bào, phòng chống các nếp nhăn và sự lão hóa của cơ thể, thậm chí góp phần giúp phục hồi các chức năng tạng phủ trong cơ thể.
Sử dụng đồ gia dụng bằng gỗ sưa như giường tủ, bàn ghế, thời gian tiếp xúc lâu sẽ có hiệu quả điều hòa khí huyết, duy trì sắc đẹp, tránh lão hóa, phòng bệnh ung thư.
Gỗ sưa không chỉ có tác dụng làm đẹp, nó còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp. Dùng bột gỗ sưa hòa với dấm trắng, sau đó đắp vào chỗ khớp bị xưng, cứ 10 ngày một liệu trình chữa trị, khoảng 3 liệu trình như vậy xương khớp sẽ gần như hết đau nhức.
Thực tế, gỗ sưa có tác dụng như vậy là do nó có thể điều hòa khí huyết. Các mạch máu lưu thông, chức năng thận tạng cải thiện. Thận lại được coi là “tiên thiên chi bản, bách bệnh chi nguyên”, tức là nguồn của bách bệnh, thận lại chủ về xương khớp, sinh ra tủy, thông với não nên thận khỏe thì mọi bệnh tật tiêu tán, trẻ lâu, trường thọ.
Vì vậy, tiếp xúc một thời gian với gỗ sưa, khí sắc con người cũng sẽ tốt lên, da dẻ hồng hào, hai mắt có thần hơn, không bị ù tai, xương cốt chắc khỏe, tăng cường trí nhớ, trấn tĩnh, không sợ hãi, người này cho biết thêm. Gỗ sưa càng để lâu càng đẹp nên khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, tác dụng tán phát các chất “mộc dưỡng” càng nhiều.
Hiểu biết để bảo tồn
Tiếp tục đi tìm lời giải về gỗ sưa, phóng viên đã liên lạc một người bạn là bác sĩ Trung y khá am hiểu về loại gỗ trên. Người này cho biết, gỗ sưa loại lâu năm quả thực có tác dụng chữa bệnh vì trong gỗ có rất nhiều chất như: Isoliquiritigenin, pterostilbene, pterocarpin,narrin, santalin, angiolensin, homopterocarpin, prunetin, formonoetin, p-hydroxyhydratropic acid, pterofuran, pterocarpol.
Các chất này có tác dụng chữa bệnh phong, làm liền vết thương, hồi phục cảm giác nóng lạnh cho người bệnh, giảm đau cho phụ nữ đau bụng kinh, giảm đau và chữa trị bệnh xương khớp, điều tiết lượng đường trong máu của người tiểu đường và giảm các biến chứng như hồi phục chức năng sinh lý, cải thiện vấn đề tiền liệt tuyến, bài tiết sỏi thận và bàng quang.
Các chất này cũng giúp ức chế u ung thư, ban đỏ, bệnh về huyết quản, chứng mất trí, bệnh nha chu, cơ tim, hen xuyễn. Đơn cử như chất Pterostilbene, có tác dụng kháng ô-xy hóa, kháng tăng sinh tế bào, giảm mỡ máu, giảm áp lực máu. Có giá trị lớn trong y học, ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư, cao huyết áp, mỡ máu cao. Homopterocarpin ứng dụng trong y học là tiêu sưng giảm đau. Pterocarpin có tác dụng chống nấm, hoạt tính kháng ung thư...
Ngoài ra, gỗ sưa còn được coi là tuyệt phẩm trong các loại gỗ bởi tính rắn chắc, màu sắc hoa lệ, vân gỗ đẹp, bền, được vua chúa và vương công quý tộc sử dụng. Gỗ có mùi hương vĩnh hằng, bách độc không thể ngấm vào nên thường được dùng làm tràng hạt, có ý nghĩa tránh tà ma và tật bệnh. Từ đó, gỗ sưa còn được con người gán cho ý nghĩa tâm linh.
Một cây sưa ở Hà Nội bị “sưa tặc” đốn hạ. |
Do ở ngoài tự nhiên gỗ sưa có tốc độ sinh trưởng rất chậm mà ở thời nào thì con người cũng ráo riết tìm cách đốn hạ chúng nên ngày nay gỗ sưa cũ (cây sưa lâu năm) đã không còn nhiều.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp người dân Việt Nam hiểu rõ hơn giá trị của những cây gỗ sưa cổ thụ hiếm hoi đang còn sót lại để từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo tồn chúng hiệu quả trước sự săn lùng của “sưa tặc”, để một tài sản quý của quốc gia không “chảy máu” ra ngoài lãnh thổ, từ đó sau này thế hệ con cháu chúng ta còn có dịp tận mắt thưởng ngoạn loại “đệ nhất gỗ” này.
(Theo PLVN)
theo-http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/170518/bi-mat--quyen-nang--go-sua-cua-nguoi-tau.html